Viêm túi thừa

Một số người khi họ già đi sẽ có túi lõm vào thành đại tràng. Những túi này được gọi là túi thừa. Những túi này thường không gây ra triệu chứng. Nếu bị tắc, túi có thể bị viêm và bị nhiễm trùng. Tình trạng này được gọi là viêm túi thừa. Viêm túi thừa gây đau ở bụng dưới và sốt. Viêm túi thừa cũng có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Viêm túi thừa có thể gây ra áp xe hình thành xung quanh túi. Áp xe có thể làm tắc đường ruột. Túi thậm chí có thể bị rách hoặc bị vỡ. Tình trạng này có thể khiến cho nhiễm trùng lan rộng khắp bụng. Quý vị sẽ cần điều trị cấp cứu nội khoa nếu tình trạng đó xảy ra.

Mặt cắt của ruột thể hiện túi thừa trên thành ruột.

Đôi khi, viêm túi thừa có thể không cần kháng sinh. Nhưng kháng sinh thường được sử dụng nhất. Khi bắt đầu điều trị sớm, chỉ cần dùng thuốc kháng sinh đường uống là có thể đủ để chữa khỏi viêm túi thừa. Phương pháp này được thử trước. Nhưng nếu quý vị không đỡ hơn hoặc nếu tình trạng của quý vị trở nên trầm trọng hơn trong khi dùng kháng sinh, quý vị có thể cần phải được nhập viện. Ở đó, quý vị sẽ được dùng thuốc kháng sinh và dịch qua đường truyền tĩnh mạch (đường tĩnh mạch). Quý vị cũng có thể phải để ruột nghỉ ngơi. Điều đó có nghĩa là quý vị sẽ không ăn hoặc không uống trong một khoảng thời gian. Các trường hợp nặng có thể cần phẫu thuật.

Chăm sóc tại nhà

Những hướng dẫn sau đây sẽ giúp quý vị tự chăm sóc bản thân tại nhà:

  • Trong giai đoạn bệnh cấp tính, hãy nghỉ ngơi và tuân thủ chế độ ăn uống theo hướng dẫn của chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Đôi khi quý vị sẽ cần phải ăn chế độ ăn lỏng trong suốt để ruột được nghỉ ngơi. Khi các triệu chứng của quý vị đã thuyên giảm, quý vị có thể được yêu cầu ăn chế độ ăn ít chất xơ trong một thời gian. Quý vị có thể ăn các loại thực phẩm như là:

    • Ngũ cốc dạng mảnh

    • Khoai tây nghiền

    • Bánh kếp và bánh quế

    • Mì ống

    • Bánh mì trắng

    • Gạo

    • Táo xay

    • Chuối

    • Trứng

    • Gia cầm

    • Đậu phụ

    • Rau nấu mềm

  • Dùng kháng sinh đúng theo chỉ định. Đừng bỏ lỡ bất kỳ liều nào hoặc ngừng dùng thuốc, ngay cả khi quý vị cảm thấy đỡ hơn.

  • Theo dõi nhiệt độ của quý vị. Hãy cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe biết nếu nhiệt độ cơ thể quý vị tăng cao.

Ngăn chặn các đợt bị bệnh trong tương lai

Một khi đã bị viêm túi thừa một lần , quý vị sẽ có nguy cơ bị tái phát. Nhưng quý vị có thể giảm nguy cơ bằng cách ăn chế độ ăn nhiều chất xơ (chất xơ từ 20 g/ngày đến 35 g/ngày). Việc này sẽ làm sạch các túi đại tràng đã có sẵn. Nó cũng có thể ngăn ngừa quá trình hình thành các túi mới. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm:

  • Trái cây tươi và vỏ trái cây ăn được

  • Rau sống hoặc rau nấu hơi chín

  • Ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì

  • Đậu khô và đậu Hà Lan

  • Cám

Sau đây là các bước khác mà quý vị có thể thực hiện để giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát bệnh trong tương lai:

  • Dùng thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng sinh, theo chỉ định của chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

  • Uống 6 ly đến 8 ly nước mỗi ngày, trừ khi có chỉ dẫn khác.

  • Sử dụng miếng đệm sưởi ấm hoặc bình nước nóng đề giúp làm giảm đau bụng hoặc làm giảm đau quặn bụng.

  • Bắt đầu một chương trình tập thể dục. Hỏi chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị về cách bắt đầu. Quý vị có thể hưởng lợi từ các hoạt động đơn giản, chẳng hạn như đi bộ hoặc làm vườn.

  • Điều trị tiêu chảy bằng chế độ ăn nhạt. Chỉ bắt đầu với các đồ lỏng. Sau đó, từ từ bổ sung chất xơ theo thời gian.

  • Theo dõi những thay đổi về đại tiện (táo bón sang tiêu chảy). Ngăn ngừa táo bón bằng cách ăn chế độ ăn nhiều chất xơ, nhiều đồ lỏng và dùng thuốc làm mềm phân nếu cần.

  • Nghỉ ngơi nhiều và ngủ.

  • Không dùng NSAID (thuốc chống viêm) trừ khi có chỉ định của chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ bị viêm túi thừa.

Chăm sóc khi theo dõi

Hãy đến gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe theo lời khuyên hoặc sớm hơn nếu quý vị không đỡ trong 2 ngày tới. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể khuyên quý vị nên nội soi đại tràng để kiểm tra đại tràng sau khi đại tràng đó đã lành.

Khi nào nên gọi cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe

Hãy gọi ngay cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu có bất kỳ tình trạng nào sau đây:

  • Sốt từ 100,4°F (38°C) trở lên hoặc theo chỉ dẫn của chuyên gia chăm sóc sức khỏe

  • Nôn nhiều lần hoặc chướng bụng liên tục

  • Yếu, chóng mặt, choáng váng

  • Đau bụng trầm trọng hơn, dữ dội hoặc lan ra lưng

  • Đau di chuyển xuống bụng dưới bên phải

  • Chảy máu trực tràng. Điều này có nghĩa là phân có màu đỏ, đen hoặc nâu đỏ.

  • Ra máu âm đạo hoặc ra khí hư có mủ ngoài dự kiến

Online Medical Reviewer: Heather M Trevino BSN RNC
Online Medical Reviewer: Melinda Murray Ratini DO
Online Medical Reviewer: Shaziya Allarakha MD
Date Last Reviewed: 12/1/2024
© 2000-2025 The StayWell Company, LLC. Tất cả các quyền được bảo lưu. Thông tin này không nhằm thay thế cho dịch vụ chăm sóc y tế mang tính chuyên môn. Cần luôn tuân theo sự chỉ dẫn từ chuyên gia chăm sóc sức khoẻ của quý vị.