Cholesterol cao (Tăng cholesterol máu)
Cholesterol là một chất sáp. Cơ thể quý vị cần chất này để duy trì sự khỏe mạnh. Nhưng quá nhiều cholesterol có thể gây ra các vấn đề. Cholesterol lưu thông trong máu của quý vị qua các mạch máu. Nếu có nhiều trong máu, cholesterol có thể tích tụ dọc theo thành mạch máu. Khi đó các mạch máu trở lên hẹp hơn. Mạch máu hẹp hơn sẽ giảm lưu lượng máu. Sau đó quý vị có nguy cơ bị cơn đau tim hoặc đột quỵ cao hơn.
Cơ thể quý vị cần cholesterol để tạo ra các tế bào mới và sản xuất một số hoóc-môn nhất định. Có 2 loại cholesterol chính trong cơ thể quý vị:
-
HDL (lipoprotein mật độ cao). Đây được gọi là "cholesterol tốt". Nó giúp ngăn hình thành các lớp lắng dạng mỡ (mảng bám) trong động mạch. Theo cách này, nó bảo vệ quý vị khỏi cơn đau tim và đột quỵ.
-
LDL (lipoprotein mật độ thấp). Đây được gọi là "cholesterol xấu". Loại cholesterol này tiếp tục ở trong cơ thể quý vị và dính vào thành động mạch. Sau đó, nó có thể chặn lưu lượng máu đến tim và não quý vị. Tình trạng này có thể gây ra cơn đau tim (nhồi máu cơ tim cấp) hoặc đột quỵ.
Cơ thể quý vị sản xuất ra tất cả lượng cholesterol nó cần. Nhưng quý vị cũng hấp thụ cholesterol từ nhiều loại thực phẩm quý vị ăn. Quý vị cần hạn chế lượng cholesterol quý vị hấp thụ từ chế độ ăn uống của mình. Nhưng quý vị cũng cần hạn chế lượng chất béo quý vị tiêu thụ. Cholesterol và chất béo trong chế độ ăn uống không giống nhau. Nhưng chất béo trong chế độ ăn uống ảnh hưởng đến mức cholesterol của quý vị. Cơ thể quý vị tạo ra cholesterol từ chất béo quý vị ăn vào. Loại chất béo quý vị ăn ảnh hưởng nhiều nhất đến lượng cholesterol cơ thể quý vị tạo ra. Loại cholesterol này tạo ra nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Chất béo có 2 loại:
-
Chất béo tốt. Đây là những chất béo không bão hòa. Có các chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa. Chúng làm tăng mức cholesterol tốt. Chúng làm giảm mức cholesterol xấu. Chất béo tốt có trong các loại dầu thực vật. Dầu này bao gồm dầu ô liu, hướng dương, ngô và đậu nành. Chất béo tốt cũng có trong các loại hạt.
-
Chất béo xấu. Đây là các chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Chúng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Chúng làm giảm cholesterol tốt. Chúng làm tăng mức cholesterol xấu. Chất béo xấu có trong tất cả các loại thịt đỏ và thực phẩm từ sữa nguyên kem. Một số thực vật cũng chứa nhiều chất béo bão hòa. Những thực vật này bao gồm dừa và cây cọ. Chất béo chuyển hóa làm tăng cholesterol xấu và làm giảm cholesterol tốt. Chất béo chuyển hóa có trong bơ thực vật dạng khối. Chúng có trong nhiều loại thức ăn nhanh và đồ nướng. Bơ thực vật mềm bán trong hộp chứa ít chất béo chuyển hóa hơn.
Cholesterol trong máu của quý vị có thể ở mức cao nếu quý vị ăn chế độ ăn giàu chất béo bão hòa và không tập thể dục nhiều. Trong nhiều trường hợp, tiền sử gia đình cũng là một yếu tố ảnh hưởng. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị có thể chẩn đoán cholesterol cao bằng xét nghiệm máu. Điều trị bao gồm chế độ ăn ít chất béo bão hòa, giảm cân và tập thể dục.
Nếu những nỗ lực này không làm giảm cholesterol, chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể kê đơn thuốc cho quý vị. Quý vị phải dùng các loại thuốc này hàng ngày để duy trì cholesterol ở mức thấp. Thừa cân cũng làm tăng nguy cơ bị cholesterol cao và bệnh tim. Giảm cân ngay cả một lượng nhỏ cũng có thể giúp quý vị giảm nguy cơ.
Ai có thể cần dùng thuốc statin
Nếu quý vị có nguy cơ bị cơn đau tim hoặc đột quỵ cao hơn, quý vị có thể cần dùng thuốc statin để giảm cholesterol. Thuốc này bổ sung cho chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Statin có thể giúp phòng ngừa cơn đau tim hoặc đột quỵ. Hãy trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu bất kỳ điều nào dưới đây đúng với quý vị:
-
Quý vị đã bị nhồi máu cơ tim
-
Quý vị đã bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA)
-
Quý vị bị đau thắt ngực ổn định hoặc không ổn định
-
Quý vị bị xơ vữa động mạch, khi mảng bám tích tụ trong động mạch
-
Quý vị bị bệnh mạch máu ngoại biên (PVD)
-
Quý vị đã làm thủ thuật khôi phục lưu lượng máu qua động mạch bị tắc
-
Quý vị bị bệnh tiểu đường và mức cholesterol LDL từ 70 mg/dL trở lên
-
Quý vị có nguy cơ bị bệnh tim hoặc đột quỵ cao hơn và mức cholesterol LDL từ 70 mg/dL trở lên
-
Quý vị có mức cholesterol LDL từ 190 mg/dL trở lên
Chăm sóc tại nhà
Làm theo các hướng dẫn này khi chăm sóc bản thân tại nhà:
-
Hãy trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị về việc bắt đầu chế độ ăn ít cholesterol hoặc chương trình giảm cân.
-
Ăn ít chất béo bão hòa và ít cholesterol hơn mỗi ngày. Điều này có nghĩa là ăn ít thịt đỏ và thực phẩm từ sữa không loại bỏ chất béo hơn.
-
Ăn thức ăn chứa chất béo không bão hòa. Thức ăn này bao gồm dầu thực vật và các loại hạt. Ăn nhiều trái cây, rau củ và cá hơn. Ăn ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm giàu chất xơ khác.
-
Học cách đọc nhãn thực phẩm để biết mình đang ăn gì.
-
Trao đổi với chuyên gia về chế độ ăn đã đăng ký. Họ có thể hướng dẫn quý vị cách lên kế hoạch cho các bữa ăn và thay đổi chế độ ăn uống của quý vị. Quý vị có thể yêu cầu chuyên gia chăm sóc của mình giới thiệu.
-
Mục tiêu là hoạt động thể chất cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần. Có thể chia lượng thời gian hoạt động này thành các buổi 30 phút, 5 ngày một tuần. Chọn các hoạt động quý vị yêu thích. Quý vị nên đi bộ nếu muốn giảm cân. Nếu quý vị bị tiểu đường, huyết áp cao hoặc bệnh tim, hãy hỏi chuyên gia chăm sóc sức khỏe về những hoạt động họ khuyến nghị.
-
Nếu chuyên gia của quý vị đã kê đơn thuốc, hãy dùng thuốc theo chỉ dẫn.
-
Nếu quý vị hút thuốc lá, hãy lên kế hoạch bỏ thuốc lá. Hãy trao đổi với chuyên gia chăm sóc của quý vị. Họ có thể giúp quý vị. Hút thuốc làm giảm mức cholesterol tốt. Hút thuốc có thể làm tăng tổn thương do cholesterol xấu gây ra. Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ chính gây cơn đau tim, đột quỵ và bệnh xơ vữa động mạch.
-
Giới hạn lượng rượu quý vị uống.
-
Nếu quý vị bị bệnh tiểu đường, hãy trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe và chuyên gia chế độ ăn về những thay đổi thực phẩm và lối sống khác mà quý vị có thể thực hiện. Quý vị sẽ cần kiểm soát đường huyết để giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Chăm sóc theo dõi
Thăm khám theo dõi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của quý vị theo hướng dẫn. Mất ít nhất 3 tháng để các thay đổi thực phẩm và lối sống thể hiện trong kết quả xét nghiệm máu về cholesterol. Làm xét nghiệm máu thường xuyên theo chỉ dẫn của chuyên gia chăm sóc. Hỏi cách chuẩn bị cho các xét nghiệm máu. Quý vị có thể cần nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm.
Nếu quý vị chụp X-quang, ECG (điện tâm đồ) hoặc làm xét nghiệm khác, bác sĩ chuyên khoa sẽ xem kết quả những xét nghiệm/kiểm tra đó. Quý vị sẽ được thông báo nếu có bất kỳ kết quả nào làm thay đổi việc chăm sóc của quý vị.
Hãy trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe về tiền sử sức khỏe và tiền sử gia đình bị bệnh tim hoặc cholesterol cao của quý vị. Hãy trao đổi với họ về mục tiêu điều trị của quý vị. Lên kế hoạch làm các xét nghiệm thường xuyên và thăm khám theo dõi. Quý vị có thể cần nhiều hơn 1 loại thuốc để đạt được mục tiêu cholesterol của mình. Hãy cho chuyên gia chăm sóc của quý vị biết nếu quý vị gặp phải các tác dụng phụ do thuốc statin.
Gọi 911
Hãy gọi 911 nếu quý vị gặp bất kỳ tình trạng nào dưới đây:
-
Đau ngực, cánh tay, vai, cổ hoặc lưng trên
-
Khó thở
-
Yếu hoặc tê cánh tay, chân hoặc 1 bên mặt
-
Khó nói chuyện hoặc khó nhìn
-
Yếu, chóng mặt hoặc ngất xỉu