A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z A-Z Listings

Cho Cha mẹ: Chăm sóc bệnh tiểu đường (3 đến 5 tuổi)

Việc chăm sóc bệnh tiểu đường ở trẻ nhỏ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có vẻ như có rất nhiều thứ để quý vị nhớ. Nhưng quý vị không cần phải làm điều đó một mình! Quý vị sẽ làm việc với chuyên gia chăm sóc sức khỏe, y tá, nhà giáo dục bệnh tiểu đường, chuyên gia dinh dưỡng và những người khác của con quý vị để lập kế hoạch kiểm soát bệnh tiểu đường.  

Các cậu bé trai giả vờ chích cho con thú nhồi bông trong khi nhân viên y tế và người phụ nữ nhìn em.
Các em nhỏ có thể dùng một ống tiêm không có kim để thực tập về việc chích các mũi insulin cho các con thú nhồi bông.

Quý vị nên có một kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường hướng dẫn quý vị về kế hoạch điều trị tổng thể cho bệnh tiểu đường của con quý vị. Nó nên bao gồm: 

  • Con quý vị dùng những loại thuốc gì, cách dùng và thời điểm sử dụng mỗi loại

  • Cách kiểm tra lượng đường trong máu

  • Các triệu chứng của đường huyết thấp (hạ đường huyết) là gì và cách điều trị

  • Các triệu chứng của đường huyết cao (tăng đường huyết) là gì và cách điều trị

  • Cách tính lượng carbohydrate (carbs) trong bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ

  • Hoạt động thể chất và thể thao phải làm gì

  • Phải làm gì nếu con quý vị bị cảm lạnh hoặc cúm

  • Phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp

Ngoài ra, hãy đảm bảo quý vị nói chuyện về nhà trẻ và trường học với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của con quý vị. Hướng dẫn những người chăm sóc khác, bao gồm cả những người ở nhà giữ trẻ hoặc trường học của con quý vị, để họ biết về tình trạng sức khỏe của con quý vị.

Kiểm tra lượng đường trong máu của con quý vị

Quý vị sẽ kiểm tra đường huyết của con quý vị bằng thiết bị có lưỡi trích ở hai bên đầu ngón tay. Lúc đầu, trẻ nhỏ có thể sợ que ngón tay để kiểm tra lượng đường trong máu. Quý vị có thể giúp con quý vị cảm thấy kiểm soát được nhiều hơn. Hãy để trẻ chọn ngón tay hoặc vị trí được sử dụng để kiểm tra. Nếu cần, hãy cung cấp các phần thưởng không phải là thực phẩm, chẳng hạn như hình dán hoặc thời gian chơi các trò chơi yêu thích. Điều này có thể giúp con quý vị cảm thấy tốt hơn khi kiểm tra lượng đường trong máu. Thiết bị lấy máu được giữ ở mức cài đặt tối thiểu có thể làm giảm đau và nỗi sợ hãi liên quan đến việc kiểm tra đường huyết. Ở độ tuổi này, trẻ thường cần kiểm tra vào lúc nửa đêm. Quý vị có thể kiểm tra lượng đường trong máu khi con quý vị đang ngủ. Kiểm tra đường huyết của con quý vị thường xuyên theo chỉ dẫn của chuyên gia chăm sóc. Quý vị cũng có thể cần phải kiểm tra đường huyết của trẻ khi nghi ngờ bị hạ hoặc tăng đường huyết.

Kiểm tra keton

Đôi khi quý vị có thể cần phải kiểm tra nước tiểu của con quý vị để tìm keton. Keton là hóa chất được tạo ra khi chất béo, thay vì glucose, được đốt cháy để tạo năng lượng (ketosis). Để kiểm tra keton ở trẻ nhỏ, hãy đặt một miếng bông gòn bên trong tã của trẻ để thấm nước tiểu. Sau đó ấn miếng bông vào que thử keton. Nếu con quý vị không còn mặc tã nữa, hãy làm theo hướng dẫn kèm theo que thử và chỉ dẫn từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe, y tá hoặc nhà giáo dục về bệnh tiểu đường. Nếu có keton, hãy luôn gọi cho nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe của con quý vị ngay lập tức. Một số người cũng sử dụng máy theo dõi glucose và keton tại nhà để kiểm tra máu xem có bị keton không. Hãy hỏi nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe, y tá hoặc nhà giáo dục bệnh tiểu đường của con quý vị để biết thêm thông tin.

Kiểm soát lượng đường trong máu thấp

Điều rất quan trọng là không để lượng đường trong máu của trẻ nhỏ xuống quá thấp. Lượng đường trong máu rất thấp (hạ đường huyết) có thể ảnh hưởng đến não đang phát triển của trẻ. Vì vậy, hãy quản lý lượng đường trong máu của con quý vị càng nhiều càng tốt mà không để nó xuống quá thấp. Trẻ rất nhỏ không thể cho quý vị biết khi nào chúng có lượng đường trong máu thấp. Theo thời gian, quý vị sẽ học được điều gì là bình thường đối với con quý vị. Điều này sẽ giúp quý vị nhận ra các triệu chứng của lượng đường trong máu thấp. Hãy chú ý theo dõi cách hành động của con quý vị. Con quý vị có thể có lượng đường trong máu thấp nếu chúng:

  • Khó chịu hoặc cáu kỉnh

  • Đẫm mồ hôi

  • Lờ đờ (buồn ngủ) hoặc xanh xao

  • Nhìn chằm chằm vào không gian hoặc mắt kính

  • Lảo đảo

  • Lúng túng hoặc khó tập trung

  • Phàn nàn các vấn đề về thị lực, đau đầu hoặc ác mộng

  • Không phối hợp

  • Chóng mặt

Nếu quý vị nghĩ rằng con mình bị hạ đường huyết, hãy kiểm tra ngay. Nếu kết quả dưới 70 mg/dL, hoặc một con số khác mà nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe của con quý vị đã khuyên, hãy hành động. Hãy điều trị ngay cho con quý vị bằng một loại đường tác dụng nhanh như quý vị đã được nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe dặn dò. Kiểm tra lại lượng đường trong máu của con quý vị sau 15 phút để chắc chắn rằng nó không còn thấp nữa. Nếu vẫn còn thấp, hãy cho trẻ uống thêm đường có tác dụng nhanh. Nếu con quý vị bối rối, không phản ứng, bất tỉnh hoặc co giật (động kinh), chúng có thể bị hạ đường huyết nghiêm trọng. Điều trị ngay cho trẻ bằng glucagon dạng tiêm. Đây là chất sẽ làm tăng lượng đường trong máu của con quý vị rất nhanh. Luôn mang theo một bộ dụng cụ khẩn cấp với một liều glucagon bên mình. (Nhóm chăm sóc sức khỏe của con quý vị sẽ hướng dẫn quý vị cách tiêm glucagon). Hãy hỏi bác sĩ của con quý vị về glucagon qua đường mũi. Thuốc được chấp thuận cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên.

Lượng đường trong máu thấp: Khi nào nên gọi cho nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe

Hãy gọi ngay cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe của con quý vị, gọi 911, hoặc đến khoa cấp cứu của bệnh viện nếu con quý vị có bất kỳ triệu chứng nào sau đây. Con của quý vị:

  • Khó đánh thức hoặc không phản hồi

  • Bất tỉnh (ngất xỉu)

  • Có mức đường huyết thấp hơn “con số nguy hiểm” do nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe cung cấp cho quý vị

  • Cần glucagon

  • Bị co giật

Quản lý mũi tiêm

Lượng insulin mà con quý vị cần và tần suất cần thiết, có thể khác nhau. Loại này bao gồm cả insulin tác dụng chậm và insulin tác dụng nhanh. Insulin cơ bản hoặc insulin nền luôn cần thiết cho dù con quý vị đang ăn hay không. Insulin dựa trên bữa ăn được điều chỉnh dựa trên lượng ăn của con quý vị. Nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe, y tá hoặc nhà giáo dục bệnh tiểu đường của con quý vị sẽ hướng dẫn quý vị thời điểm và cách tiêm cho con quý vị. Ở trẻ nhỏ, vị trí tốt nhất để tiêm là những vùng nhiều mỡ của:

  • Mông đít

  • Bụng (cách xa rốn 2 inch)  

  • Hai bên đùi

  • Bắp tay sau

Yêu cầu nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe của con quý vị hướng dẫn quý vị cách xoay vị trí tiêm một cách chính xác và cách tránh xa các khu vực bị teo mỡ. Đây là vết sưng dưới da do tiêm insulin vào cùng một vị trí nhiều lần. Ngoài ra, hãy hỏi về kỹ thuật tiêm insulin đúng và cách tránh tiêm insulin vào cơ. Vô tình tiêm vào cơ hoặc vào vùng bị teo mỡ có thể ảnh hưởng đến cách insulin được hấp thụ.

Khi con quý vị lớn hơn, sẽ có nhiều lựa chọn hơn để kiểm soát lượng đường trong máu. Ví dụ, máy bơm insulin hiện đã được chấp thuận sử dụng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên.

Xử lý khi tiêm

Lúc đầu, quý vị có thể có một số lo lắng về việc tiêm. Nếu quý vị lo lắng, quý vị có thể muốn tự thực hành trước. Hỏi nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe của con quý vị về việc tự tiêm nước muối vô trùng để tìm hiểu cảm giác của mũi tiêm. (Nếu quý vị sợ kim tiêm, sử dụng thiết bị tiêm có thể giúp quý vị giảm bớt nỗi sợ hãi.). Con quý vị thích nghi nhanh như thế nào có thể phụ thuộc vào mức độ thoải mái của quý vị khi tiêm. Hãy coi những mũi tiêm như một thói quen bình thường. Đừng bao giờ đe dọa hay dọa nạt con quý vị rằng tiêm là một hình thức trừng phạt. Bút insulin hiện đại chính xác, dễ sử dụng và thực tế không gây đau ngay cả đối với trẻ mắc bệnh tiểu đường.

Giúp con quý vị đối phó khi tiêm

Không có gì lạ khi trẻ em khóc và khó chịu khi bị tiêm. Nhưng hầu hết trẻ em thích nghi rất nhanh với việc chăm sóc bệnh tiểu đường. Lúc đầu con quý vị có thể không dễ dàng xử lý khi tiêm và kiểm tra lượng đường trong máu. Con quý vị sẽ không bao giờ cảm thấy rằng việc kiểm tra lượng đường trong máu và tiêm insulin là “hình phạt”. Dưới đây là một số mẹo để giúp con quý vị tiêm dễ dàng hơn:

  • Luôn dành cho trẻ tình yêu thương và sự quan tâm trước và sau khi tiêm. Khuyến khích hợp tác với các mũi tiêm và các phương pháp điều trị khác.

  • Sử dụng đồ chơi hoặc các loại trò chơi khác để con quý vị có thể tập trung vào điều gì đó thú vị.

  • Giúp con quý vị điều chỉnh bằng cách thể hiện tiêm trên thú nhồi bông. Con quý vị thậm chí có thể tập cho thú nhồi bông bằng ống tiêm không có kim tiêm.

  • Nói chuyện với nhóm chăm sóc sức khỏe của con quý vị về những cách khác để giúp con quý vị đối phó với việc tiêm insulin.

Thức ăn và trẻ nhỏ

Ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể bắt đầu học về các loại thực phẩm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nhiều nhất. Hãy ghi nhớ những điều này:

  • Nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe, y tá hoặc nhà giáo dục bệnh tiểu đường của con quý vị sẽ dạy quý vị về carbohydrate. Carbohydrate là một trong những chất dinh dưỡng đa lượng (còn lại là protein và chất béo) trong thực phẩm cung cấp cho con quý vị năng lượng cần thiết để phát triển. Nhưng chúng cũng làm tăng lượng đường trong máu cao hơn và nhanh hơn so với các loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại carbs đều giống nhau. Carbs phức hợp, chẳng hạn như trong rau củ và ngũ cốc nguyên hạt, không làm tăng đường huyết nhiều như carbs đã qua chế biến hoặc đơn giản, chẳng hạn như trong kẹo, bánh ngọt và nước trái cây. Quý vị sẽ tìm hiểu về “đêm carb”. Đây là một kỹ thuật giúp quý vị biết con quý vị ăn bao nhiêu carbohydrate mỗi ngày. Đếm carb giúp quý vị quyết định con quý vị cần bao nhiêu insulin.

  • Chuyên gia chăm sóc sức khỏe, y tá hoặc nhà giáo dục về bệnh tiểu đường của con quý vị cũng sẽ dạy quý vị về chất béo và protein. Bữa ăn có nhiều chất béo và protein có thể khiến đường huyết giảm quá sớm sau khi ăn hoặc khiến đường huyết tăng muộn hơn bình thường. Quý vị sẽ học cách điều chỉnh liều insulin của con quý vị để giúp giữ đường huyết ổn định hơn tùy thuộc vào hàm lượng bữa ăn.

  • Hãy nhớ rằng trẻ em sẽ là trẻ em! Mặc dù đôi khi quý vị có thể cần hạn chế ăn để kiểm soát glucose, nhưng không nên "vượt quá giới hạn" ở bất kỳ thực phẩm nào. Trẻ em sẽ lén lút ăn vặt, đặc biệt là những món mà chúng yêu thích. Và một số trẻ rất kén ăn. Vì vậy, hãy sắp xếp các loại thực phẩm mà con quý vị thích ăn vào kế hoạch bữa ăn của chúng. Điều chỉnh liều lượng insulin khi cần thiết. Quý vị sẽ học cách điều chỉnh insulin của con quý vị dựa trên những gì con quý vị ăn. Nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng nếu quý vị gặp khó khăn trong việc duy trì kế hoạch bữa ăn cho con mình.

    Nếu quý vị nhận thấy rằng con quý vị đôi khi từ chối ăn nhiều như quý vị đã dự đoán, hãy hỏi nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe của quý vị xem con quý vị có thể sử dụng insulin tác dụng nhanh có thể được cung cấp sau bữa ăn thay vì trước đó hay không. Điều đó sẽ làm giảm nguy cơ bị đường huyết thấp.

Hoạt động thể chất và trẻ nhỏ

Giống như thức ăn và insulin, hoạt động thể chất đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý lượng đường trong máu của con quý vị. Hoạt động tích cực giúp giảm lượng glucose trong máu của con quý vị. Tuy nhiên, hoạt động quá nhiều có thể khiến lượng đường trong máu của con quý vị xuống quá thấp. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải kiểm tra lượng đường trong máu của con quý vị thường xuyên khi chúng hoạt động. Nói chuyện với nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe của con quý vị để tìm hiểu cách cân bằng hoạt động của con quý vị với thức ăn và insulin.

Trường học và trẻ nhỏ

Nếu con quý vị đi học ở trường mầm non hoặc mẫu giáo, quý vị sẽ cần gặp giáo viên hoặc nhân viên khác. Quý vị sẽ cần lập kế hoạch chăm sóc bệnh tiểu đường cho con mình. Đây đôi khi được gọi là “kế hoạch 504”. Quý vị thậm chí có thể muốn tìm một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ mẫu giáo hoặc nhà trẻ có kinh nghiệm chăm sóc bệnh tiểu đường. Hãy nhớ rằng nhà trường cần liên lạc với quý vị trong trường hợp khẩn cấp.

Cho con quý vị đeo thẻ y tế cho biết chúng mắc bệnh tiểu đường và người liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến cả gia đình

Chăm sóc trẻ nhỏ mắc bệnh tiểu đường là một công việc toàn thời gian. Đôi khi quý vị có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc quá tải. Điều này có thể dẫn đến kiệt sức. Cảm thấy kiệt sức có nghĩa là quý vị có thể gặp khó khăn hơn trong việc quản lý lượng đường trong máu của con mình. Những mẹo sau có thể giúp quý vị:

  • Tất cả những người lớn trong gia đình nên tham gia vào việc quản lý bệnh tiểu đường. Bất kỳ ai khác chăm sóc con quý vị, chẳng hạn như người giữ trẻ, cũng phải chuẩn bị để kiểm soát bệnh tiểu đường của con quý vị. Một lớp học về bệnh tiểu đường có thể hữu ích. Vì vậy, có thể tham gia một nhóm hỗ trợ bệnh tiểu đường hoặc nói chuyện với một nhân viên xã hội.

  • Có thể mất một thời gian để gia đình quý vị thích nghi với việc chăm sóc bệnh tiểu đường. Lúc đầu, có vẻ như con quý vị mắc bệnh tiểu đường cần được quan tâm nhiều hơn những anh chị em không mắc bệnh tiểu đường. Cố gắng dành cho anh chị em sự quan tâm như nhau. Những người con khác của quý vị cũng sẽ được hưởng lợi từ chế độ ăn uống và hoạt động lành mạnh mà trẻ mắc bệnh tiểu đường tuân theo.

Điều chỉnh

Mặc dù quý vị đã cố gắng hết sức, nhưng số lượng đường trong máu của con quý vị đôi khi sẽ quá cao hoặc quá thấp. Nhưng hãy cố gắng nhớ: Các con số này là công cụ giúp quý vị đưa ra quyết định về kế hoạch quản lý của con mình. Khi con quý vị lớn lên, cơ thể của chúng thay đổi nhanh chóng. Điều này có nghĩa là kiểm soát lượng đường trong máu hoàn hảo là không thể. Những điều chỉnh đối với kế hoạch quản lý của con quý vị không phải là dấu hiệu của sự thất bại. Chúng là một phần bình thường trong việc chăm sóc cho đứa trẻ đang lớn của quý vị. Tuy nhiên, trong giới hạn này, hầu hết các gia đình quản lý lượng đường trong máu rất tốt. 

Online Medical Reviewer: Dan Brennan MD
Online Medical Reviewer: Heather M Trevino BSN RNC
Online Medical Reviewer: Shaziya Allarakha MD
Date Last Reviewed: 4/1/2024
© 2000-2025 The StayWell Company, LLC. Tất cả các quyền được bảo lưu. Thông tin này không nhằm thay thế cho dịch vụ chăm sóc y tế mang tính chuyên môn. Cần luôn tuân theo sự chỉ dẫn từ chuyên gia chăm sóc sức khoẻ của quý vị.
Powered by Krames by WebMD Ignite
About StayWell | Terms of Use | Privacy Policy | Disclaimer